Background Gia sư 8910

Dạy con không đòn roi – Khi những sai lầm tiềm ẩn lâu dài

Nuôi dạy con là một công việc không được trả lương bằng tiền bạc, nhưng lại đòi hỏi thật nhiều kỹ năng của các bậc làm cha mẹ. Mỗi bậc cha mẹ đều có những phương pháp nuôi dạy con khác nhau: lúc mềm mỏng khi cứng rắn, lúc dịu dàng khi nghiêm khắc… thật khó để có thể xác định được mẫu số chung cho việc dạy con đúng cách. Thế nhưng, dù phương pháp cha mẹ chọn là gì, thì chúng ta cũng nên xác định rõ, nó nên dựa trên sự an toàn về tinh thần – thể xác của trẻ, khiến cho con được uốn nắn, dạy dỗ mà vẫn cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ. Đó là nguyên tắc của việc dạy con không đòn roi.

Dạy con không đòn roi là gì?

Dạy con không đòn roi đi ngược lại với quan điểm “thương cho roi cho vọt”, đây là phương pháp giáo dục hướng tới sự nhân văn, giúp trẻ định hình tính cách thông qua sự thấu hiểu và tôn trọng trẻ. Ở phương pháp dạy con không đòn roi, việc kỷ luật con vẫn sẽ tồn tại, nhưng đó không phải sự la hét, mắng mỏ hay “roi vọt” mà là sự kỷ luật tử tế và yêu thương.

Những sai lầm thường gặp

Với từ khóa “dạy con không đòn roi”, chỉ qua vài giây tìm kiếm trên internet, các bậc phụ huynh đã dễ dàng có được khái niệm và mục đích áp dụng. Mặc dù dễ tiếp cận về thông tin, nhưng dạy con không đòn roi lại là một thử thách khó để thực hiện. Dạy con là một quá trình kéo dài và diễn ra mỗi ngày. Bởi vậy, ngay cả khi là người lớn, cha mẹ vẫn có thể dễ dàng mắc phải những sai lầm.

Lạm dụng khen thưởng

Với bất cứ ai, phản hồi tích cực luôn có tác dụng khích lệ hơn so với phản hồi tiêu cực. Khen thưởng giúp trẻ được nâng cao sự tự tin, mặt khác, nó còn có tác dụng giúp cha mẹ định hình, khuyến khích hành vi tốt của trẻ. Khen thưởng cũng là hành vi được nhắc tới trong quá trình dạy con không đòn roi.

Phụ huynh đang khen ngợi con khi làm được việc nào đó
Phụ huynh đang khen ngợi con khi làm được việc nào đó

Thế nhưng, lạm dụng khen thưởng lại dễ đem tới những hậu quả nghiêm trọng. “Con giỏi nhất rồi!”, “Con xinh đẹp nhất!”, “Con tài năng nhất lớp mà!”. Những lời khen chung chung, kém chân thành gây ra những tác dụng ngược. Vì không muốn mất đi lời khen từ phía cha mẹ, và có thể trở nên dè dặt hơn trước những thách thức trong cuộc sống, không dám thử sức ở những lĩnh vực mới. Chúng ta nên nhớ, chỉ những lời khen chi tiết, chân thành, thật lòng từ cha mẹ dành cho con mới đem lại hiệu quả trong việc dạy con không đòn roi.

Hiểu sai về kỷ luật

Khi con cái cư xử không đúng đắn, nhiều cha mẹ ngay lập tức sẽ có phản ứng bực bội và mất kiên nhẫn. Lúc này, “kỷ luật” thường bị đánh đồng với “trừng phạt” con bằng việc la hét, mắng mỏ hoặc thậm chí là đánh đập. Tuy nhiên, trong phương pháp dạy con không đòn roi, “kỷ luật” không được hiểu theo nghĩa hẹp như vậy. Bất cứ khi nào muốn kỷ luật con, các bậc cha mẹ không nên để cảm xúc nóng giận điều khiển.

Trẻ em dễ tủi thân nếu phụ huynh dùng đòn roi quá nhiều
Trẻ em dễ tủi thân nếu phụ huynh dùng đòn roi quá nhiều

Hãy nhớ rằng, kỷ luật là để dạy dỗ, uốn nắn con làm những điều đúng đắn, không phải là trừng phạt để con hoảng sợ, la khóc. Trừng phạt bằng đòn roi sẽ khiến con ngừng lại hành động sai trái trong thời gian ngắn, nhưng kỷ luật sẽ khiến con có những bài học lâu dài.

Không cho trẻ biết chi tiết về lỗi sai

Khi đã tìm hiểu về phương pháp dạy con không đòn roi, chắc chắn phụ huynh đã hiểu đánh mắng không phải là cách dạy con hiệu quả. Việc bắt trẻ nhận lỗi bằng vũ lực không làm trẻ cải thiện hành vi. Ngược lại, nếu chỉ ân cần, nhỏ nhẹ bỏ qua hành vi quấy phá của con cũng không phải là một giải pháp hữu ích. Sau khi áp dụng những hình thức kỷ luật thông minh, tích cực, điều quan trọng để phương pháp dạy con không đòn roi trở nên hiệu quả, đó là cho con biết mình sai ở đâu. Hãy cho con biết bằng những mô tả chi tiết, hoặc để cho con trải nghiệm hậu quả phát sinh từ những sai lầm. Ví dụ, khi con quấy phá không chịu ăn, cha mẹ hãy cho con đủ thời gian để chịu đựng cơn đói.

Dạy con không đòn roi đúng cách

  • Từ những sai lầm trên, chúng ta sẽ cùng nhau rút ra những ghi chú để có thể dạy con không đòn roi đúng cách. Dạy con không đòn roi không có nghĩa là bỏ qua việc kỷ luật. Thay vì tập trung vào hình phạt, đánh mắng hay trói buộc con bằng những quy tắc “không được”, thì phương pháp kỷ luật tích cực, thông minh sẽ được chọn lựa. Cụ thể, đây là cách kỷ luật đặt trọng tâm vào việc phát triển mối quan hệ lành mạnh với con cái bằng một số hành vi cụ thể sau:
    Thừa nhận và khen thưởng những hành vi tốt, để trẻ phân biệt được những hành vi đúng/sai trong từng trường hợp cụ thể.
  • Để trẻ biết được những hậu quả khi làm sai. Quá trình này sẽ diễn ra ở hai thời điểm: trước và sau khi trẻ thực hiện hành vi. Ở trường hợp trước khi trẻ làm sai, cha mẹ sẽ khó khăn trong việc dự đoán được con cái sẽ phạm phải sai lầm gì. Bởi vậy, trong quá trình giao tiếp với con, hãy cho con biết từ từ về những hành vi không đúng. Khi trẻ đã thực hiện hành vi chưa phù hợp, cha mẹ nên chấp nhận việc con mình phạm sai lầm, để trẻ có thời gian để tự trải nghiệm hậu quả do mình gây ra.
  • Lấy đi quyền lợi: Đây cũng được coi là một hình phạt trong phương pháp dạy con không đòn roi. Ví dụ: nếu con không hoàn thành bài tập, cha mẹ có thể chọn tước bỏ đặc quyền xem tivi vào buổi tối. Phương pháp dạy con không đòn roi này hoạt động tốt nhất trong trường hợp đặc quyền cha mẹ tước đi liên quan tới hành vi con làm sai hoặc là điều mà con coi trọng.
  • Xây dựng góc kỷ luật: Nếu cha mẹ cần thời gian để bình tĩnh hoặc cho trẻ ngẫm nghĩ về hành vi sai lầm, thì đưa con vào góc kỷ luật là một phương pháp hiệu quả. Cha mẹ hãy đảm bảo góc kỷ luật đó là một nơi an toàn (không phải phòng tắm), đó cũng không phải nơi trẻ có thể chơi hoặc ngủ (như phòng ngủ, nơi để đồ chơi). Dạy con không đòn roi bằng góc kỷ luật sẽ thích hợp nhất với trẻ từ 2 tuổi trở lên – độ tuổi trẻ đủ lớn để hiểu mục đích của hình phạt.
  • Kết thúc hình phạt bằng một cái ôm: Dạy con không đòn roi hướng tới việc xây dựng mối quan hệ tích cực giữa cha mẹ và con cái. Bởi vậy, khi thời gian chịu phạt kết thúc, cha mẹ đừng quên khen ngợi nếu con có biểu hiện tốt, hãy thể hiện tình yêu bằng một cái ôm, sau đó nói chuyện thật thật từ tốn, để con hiểu được tại sao bị phạt, làm thế nào để lần sau không bị phạt.

Nuôi dạy con phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần dựa trên tình yêu thương, thấu hiểu, nói không với đòn roi là điều mà bậc phụ huynh nào cũng mong muốn. Tuy nhiên, để phương pháp này phát huy tối đa hiệu quả, ta cần tìm hiểu một cách kỹ lưỡng, áp dụng linh hoạt sao cho phù hợp với hoàn cảnh gia đình cùng tính cách của trẻ. Hy vọng bài viết trên đây của Gia sư 8910 đã cung cấp cho phụ huynh một số thông tin bổ ích cho hành trình nuôi dạy con!

Bài viết nổi bật

Tư vấn tìm gia sư

Đăng ký tư vấn miễn phí