Background Gia sư 8910

Cách dạy con của người Nhật: Từ bàn ăn tới bàn học

Chăm chỉ, lễ phép, tự tin, thông minh… Đó là những tính từ mà chúng ta vẫn sử dụng để mô tả về trẻ em ở Nhật Bản. Nuôi dưỡng được những thế hệ con trẻ phát triển toàn diện như vậy, cách dạy con của người Nhật chắc chắn là những bí quyết đáng để mỗi bậc phụ huynh tìm hiểu và học hỏi. Vậy, trẻ em của quốc đảo hoa anh đào đã học được những bài học gì trên bàn ăn và trên bàn học?

Cách dạy con của người Nhật: Trên bàn ăn

Người Việt xưa có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Câu tục ngữ thể hiện: ông cha ta đã rất chú trọng tới việc giáo dục con trẻ qua những việc nhỏ xung quanh mình. Rõ ràng, dạy bảo con từ bữa ăn hàng ngày có thể coi là điểm giao giữa cách dạy con của người Nhật và văn hóa nuôi dạy trẻ của người Việt.

Phép lịch sự và biết ơn

Cách dạy con của người Nhật trên bàn ăn bắt đầu từ những thứ rất nhỏ: câu “Cảm ơn” trước và sau bữa ăn. Trên bất cứ bàn ăn nào, trẻ em Nhật Bản cũng bắt đầu dùng bữa bằng câu “Itadakimasu” (“Tôi rất cảm kích và xin được nhận bữa ăn này”). Khi bữa ăn đã hoàn thành, trẻ cũng được dạy rằng phải nói “Goshisosamadeshita!” (“Cảm ơn vì bữa ăn ngon miệng này”). Một lời cảm ơn ngắn gọn nhưng lại thể hiện được phép lịch sự trên bàn ăn cùng lòng biết ơn với những người đã làm ra đồ ăn.

Tính tự giác

Cách dạy con của người Nhật có liên quan mật thiết với tinh thần tự lập, tự chủ. Bởi vậy, phẩm chất này cũng được cha mẹ, nhà trường đưa vào rèn luyện cho trẻ trong mỗi bữa ăn. Tại các bữa ăn tại trường học Nhật Bản, trẻ em sẽ luân phiên nhau phục vụ bữa ăn cho chính mình và cho các bạn. Tại nhiều trường học, sẽ không có nhân viên lao công mà trẻ phải tự dọn dẹp rác sau khi ăn xong. Mặt khác, khi ở nhà, trẻ em Nhật cũng được hướng dẫn cách giúp đỡ cha mẹ chuẩn bị đồ ăn. Việc dọn dẹp sạch sẽ bàn ăn sau khi nấu nướng và ăn uống cùng gia đình cũng được coi là đặc trưng trong cách dạy con của người Nhật.

Trẻ em Nhật Bản trong một ngày trải nghiệm giá trị lao động
Trẻ em Nhật Bản trong một ngày trải nghiệm giá trị lao động

Sự đoàn kết và kiên nhẫn

Như đã nói, tại trường học, trẻ em Nhật được thay phiên chuẩn bị bữa ăn cho cả lớp. Trong cách dạy con của người Nhật, không ai được ăn trước, tất cả sẽ chờ đợi cho đến khi các bạn mình phát cơm xong và hoàn tất khâu chuẩn bị cho bữa ăn. Bài học về sự kiên nhẫn còn được thể hiện ở cách xử lý vấn đề của thầy cô. Tính kỷ luật của trẻ em tại đây được rèn luyện từ rất sớm, trẻ sẽ là người tự ăn uống, tất nhiên, không thể tránh được các sự cố: làm rơi/đổ khay ăn, làm rơi/vãi đồ ăn. Tuy nhiên, các thầy cô giáo không hề bực bội mà luôn đứng bên cạnh để hỗ trợ, hướng dẫn cách xử lý vấn đề. Cách dạy con của người Nhật nói không với sự quát nạt, đe dọa hay đòn roi mà đề cao sự kiên nhẫn, nhẹ nhàng, hỗ trợ nhau để cùng tiến bộ.

Cách dạy con của người Nhật: Trên bàn học

Trên bàn học, trẻ em Nhật không chỉ đơn thuần học các môn văn hóa, năng khiếu, mà còn sớm được hình thành những hiểu biết liên quan tới tài chính, kiến thức sinh sản, giới tính, hay được vun đắp về lòng tự tôn dân tộc.

Những bài học vỡ lòng về quản lý tài chính

Quản lý tài chính là một bài học diễn ra rất sớm trong cách dạy con của người Nhật. Trẻ em đọc học quản lý tài chính cá nhân thông qua việc nhận biết mệnh giá tiền, giúp cha mẹ trả tiền khi đi chợ, học cách tiết kiệm, ghi chép lại nhật ký chi tiêu. Hay thậm chí, trẻ còn được thiết lập tài khoản tiết kiệm cá nhân khi còn rất nhỏ.

Giáo dục kiến thức sinh sản, giới tính từ sớm

Trong cách dạy con của người Nhật, việc giáo dục giới tính diễn ra từ rất sớm. Ngay từ khi học mẫu giáo, trẻ đã được giáo dục về cách làm sạch cơ thể, sự khác biệt giữa nam và nữ, tới bậc tiểu học, trẻ đã nắm được các kiến thức về sinh sản như kinh nguyệt hay cách để tạo ra một em bé… Việc thoải mái giáo dục giới tính ngay từ những lớp vỡ lòng là một trong những điểm khác biệt giữa cách dạy con của người Nhật khi so sánh với cha mẹ Việt Nam.

Đề cao tinh thần dân tộc

Trong cách dạy con của người Nhật, trên bàn học, trẻ không chỉ được rèn luyện về trí tuệ, năng khiếu, mà còn được trau dồi về tinh thần dân tộc. Từ rất sớm, trẻ đã được tiếp cận với những hoạt động liên quan tới văn hóa cổ đại như: rèn chữ bằng bút lông, sử dụng giấy gạo, thơ, ca… Nền giáo dục Nhật Bản hướng trẻ em tới ý thức giữ gìn và bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bài học từ cách dạy con của người Nhật

Dù trên bàn ăn hay trên bàn học, trẻ em Nhật cũng nhận được những bài học lớn hơn nhiều lần so với một bữa ăn hay một cuốn sách. Đó là bí quyết đáng được phụ huynh Việt cân nhắc và học hỏi.

Tập trung phát triển toàn diện

Cách dạy con của người Nhật đặc biệt quan tâm đến sự phát triển tự nhiên và toàn diện của cá nhân. Trẻ em tại đất nước mặt trời mọc được trang bị kiến thức để phát triển đầy đủ các mặt: trí tuệ, cảm xúc, tính tự lập, sự đoàn kết, tinh thần dân tộc, lòng biết ơn hay ý thức rèn luyện sức khỏe để trở nên mạnh mẽ, kiên cường hơn trong cuộc sống. Dù học tập ở trường hay ở nhà, trẻ cũng được khuyến khích làm những gì bản thân cảm thấy hứng thú. Cách dạy con của người Nhật tôn trọng sự khác biệt, đánh giá cao năng lực của mỗi cá nhân. Đó cũng là lý do trẻ em không có cảm giác sợ học, hay áp lực về điểm số.

Trẻ em được học về giá trị sức lao động từ sớm
Trẻ em được học về giá trị sức lao động từ sớm

Cơ hội học tập có mặt mọi nơi

Ngoài học ở nhà, học ở trường, trẻ em luôn có những giờ học ngoại khóa, những sự kiện cộng đồng, lễ hội, các buổi giao lưu… Cơ hội học tập những kiến thức nằm ngoài sách vở khiến việc học trở nên lý thú, qua đó, trẻ cũng được rèn luyện sự tự tin, được khai phá ưu thế, sở trường của mình ngay khi còn nhỏ.

Lấy ví dụ, để giúp trẻ hiểu rằng không nên lãng phí đồ ăn, cha mẹ và thầy cô Nhật không đưa cho trẻ những lời khuyên khô khan trên sách vở mà để trẻ tự trải nghiệm các tình huống thực tế. Trẻ sẽ trực tiếp vào vai người nông dân để trồng lúa hoặc các loại rau củ, thực hiện đủ các khâu: gieo hạt, chăm sóc, thu hoạch… Qua quá trình này, trẻ sẽ tự rút ra bài học về sự quý giá của đồ ăn.

Kỷ luật là nền tảng – Cha mẹ là tấm gương

Trong cách dạy con của người Nhật, tính kỷ luật thể hiện rất rõ nét trên bàn ăn và bàn học: từ nguyên tắc cảm ơn trước và sau bữa ăn, cách dọn dẹp ngay ngắn mọi thứ sau khi dùng bữa, cho tới tư thế chuẩn mực khi ngồi học. Điều đáng ngưỡng mộ và học tập hơn nữa trong cách dạy con của người Nhật đó là: tính kỷ luật nói trên hoàn toàn không được hoàn thiện bằng đòn roi mà bằng sự kiên nhẫn, sự làm gương của các bậc cha mẹ.

Muốn khuyến khích trẻ nấu ăn, cha mẹ sẽ đồng hành với trẻ, muốn con học nề nếp và kỷ luật, cha mẹ Nhật cũng sẵn sàng làm điều đó trước con. Một đứa trẻ được lớn lên trong một gia đình có ý thức học tập lẫn nhau, nơi cha mẹ, ông bà luôn làm tấm gương, thì con cái sẽ trưởng thành với những nhân cách tốt, phát triển toàn diện về tâm hồn và trí tuệ. Đó là kim chỉ nam trong cách dạy con của người Nhật.

Dù trên bàn ăn hay trên bàn học, thì hương pháp dạy con của người Nhật cũng tập trung vào việc giáo dục về đạo đức và giá trị, hướng dẫn con phát triển sự tôn trọng và đồng cảm đối với thế giới xung quanh. Gia sư 8910 hy vọng, các bậc phụ huynh có thể chắt lọc và áp dụng những phương pháp phù hợp, giúp con trưởng thành một cách toàn diện với trí tuệ, thể lực và phẩm chất tốt.

Bài viết nổi bật

Tư vấn tìm gia sư

Đăng ký tư vấn miễn phí