Background Gia sư 8910

Cách dạy con nghe lời: Hiệu quả đến từ sự vừa đủ

Cách dạy con nghe lời luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhiều bậc cha mẹ. Thực tế cho thấy, ranh giới giữa nghiêm khắc và khắc nghiệt lại quá mong manh. Vậy, đâu mới là điểm cân bằng lý tưởng, đem tới hiệu quả tốt nhất trong vô số cách dạy con nghe lời? Trong bài viết dưới đây, Gia sư 8910 sẽ đem tới cho phụ huynh những gợi ý về vấn đề này.

1. Nguyên nhân khiến trẻ bướng bỉnh

Ngay khi tìm kiếm được cách dạy con nghe lời phù hợp, thì việc thực hiện nó cũng chưa thực sự phát huy hiệu quả, hay nghiêm trọng hơn, chúng còn gây ra những tác dụng ngược. 

1.1. Cha mẹ so sánh con với người khác

Nhiều cha mẹ thường sử dụng việc so sánh con với đứa trẻ khác như một cách dạy con nghe lời, để con cố gắng, nỗ lực hơn. Hiệu quả đến đâu thì chưa biết, nhưng hậu quả đã xếp hàng dài trước mắt. Không chỉ phủ định những năng khiếu, thế mạnh con sở hữu, mà việc này còn làm trẻ trở nên bướng bỉnh, thất vọng về bản thân. Mặt khác, con cũng sẽ có xu hướng tức giận với những người hơn chúng trong phép so sánh, không muốn nghĩ về mặt tích cực để cải thiện bản thân. 

1.2. Trẻ không được lắng nghe

Khi con làm sai, nhiều cha mẹ có xu hướng nói thật nhiều về việc con đã sai thay vì lắng nghe lý do thực sự khiến con làm như vậy. Lắng nghe và thấu hiểu mới là hành động thực sự cần thiết trong những cách dạy con nghe lời. Khi cha mẹ không lắng nghe, trẻ sẽ cảm thấy bị bỏ rơi, không được coi trọng, từ đó hình thành tâm lý phản kháng, không đồng thuận với người thiếu tôn trọng mình.

1.2. Cách dạy con nghe lời chưa nhất quán

Không có một đáp án chung nào cho bài toán nuôi dạy con. Ở mỗi gia đình, cách dạy con nghe lời sẽ có sự khác biệt nhất định. Tuy nhiên, dù cha mẹ nghiêm khắc hay dễ tính, mềm mỏng hay cứng rắn, thì hành trình uốn nắn một đứa trẻ cũng cần sự nhất quán. Mỗi cách dạy con nghe lời mà cha mẹ sử dụng, sẽ phát ra một tín hiệu riêng để trẻ nhận biết hành động đúng – sai. Việc thiếu nhất quán trong dạy con dễ khiến trẻ sẽ bị nhiễu khi có quá nhiều tín hiệu được phát ra, dẫn tới việc trẻ không hiểu cha mẹ mong đợi điều gì, không biết phải hành xử ra sao cho phù hợp.

1.3. Chỉ vì con chưa trưởng thành

Một lẽ thường tình nhưng không phải cha mẹ nào cũng ghi nhớ đó là con chưa phải một người trưởng thành. Con trẻ chưa có đủ những hiểu biết và trải nghiệm để phán đoán một sự việc là đúng hoặc sai. 

Dạy con cách nghe lời

Trước khi đi tìm kiếm cách dạy con nghe lời, cha mẹ cần ghi nhớ rằng: mức độ trưởng thành của trẻ em rất thấp. Điều đó dẫn đến hành vi bướng bỉnh và tình trạng này sẽ kéo dài cho đến khi các con có những hiểu biết nhất định về tính đúng – sai của một việc.

2. Trẻ quá nghe lời – Lợi bất cập hại

Phụ từ “quá” được thêm trước một tính từ, để thể hiện sự vượt trội hơn hẳn mức bình thường. “Quá tốt”, “quá xinh” thường khiến con người gật gù thỏa mãn, nhưng một đứa trẻ “quá nghe lời” lại chưa chắc đã là một tín hiệu đáng mừng.

2.1. Ngăn chặn sự phát triển đặc tính tự nhiên ở trẻ

Các cách dạy con nghe lời áp dụng sai mục đích dễ tạo ra những đứa trẻ “răm rắp”, dẫn tới ức chế quá trình phát triển tự nhiên ở trẻ nhỏ. Mỗi đứa trẻ đều sở hữu những năng lực tiềm tàng, sứ mệnh của cha mẹ là lựa chọn cách dạy con nghe lời, ngoan ngoãn nhưng vẫn đảm bảo đánh thức và định hình những năng lực sẵn có, không chối bỏ, phủ định các thế mạnh của con. Khi so sánh con trẻ như một cây con non nớt, sự lựa chọn phương pháp nuôi dạy của các bậc phụ huynh sẽ định hình ra những kết quả khác nhau: cây trưởng thành với cành lá vươn xa, khỏe mạnh hoặc những tán lá rụt rè bị kìm kẹp.

2.2. Những đứa trẻ không dám từ chối

Những trẻ quá nghe lời thường lo lắng trước cảm xúc của người khác mà từ bỏ suy nghĩ thật của bản thân. Vì sợ cha mẹ phản đối, sợ bị gắn mác “bướng bỉnh” mà các em không dám bộc lộ những suy nghĩ một cách thật lòng, không dám thực hiện những điều bản thân yêu thích. Trên hành trình trưởng thành, đôi khi kháng cự, từ chối cũng là cách để các con bảo vệ bản thân. Cách dạy con nghe lời hiệu quả sẽ cung cấp cho trẻ khả năng nói “không” với những gì sai trái, không phù hợp.

2.3. Tước đi tính tự lập ở trẻ

“Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy” là cách nhanh nhất tước đi tính tự lập ở trẻ. Khi mọi chuyện đều chịu sự điều khiển của cha mẹ, thì thật khó để yêu cầu trẻ có thể tự lên kế hoạch, tự đặt mục tiêu, tự giải quyết vấn đề. Tính tự lập là một yếu tố không thể thiếu trong một xã hội với quá nhiều biến đổi như hiện nay. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên tỉnh táo, lựa chọn được cách dạy con nghe lời thật sự phù hợp, nghe lời không có nghĩa là ỷ lại, dựa dẫm.

3. Cách dạy con nghe lời: Hiệu quả đến từ sự vừa đủ

3.1. Định hướng “vừa đủ”

Trong những giai đoạn phát triển đầu tiên của cuộc đời, trẻ đi khám phá thế giới bằng sự quan sát xung quanh và cố gắng làm điều tương tự. Chưa tính tới việc hình ảnh trẻ quan sát được là đúng hay sai, thì việc thiếu hụt về kỹ năng cũng khiến quá trình “bắt chước” của các con chưa đạt được hiệu quả. Vì vậy, việc khơi gợi hướng đi và quan sát hành trình của con là điều hết sức quan trọng. 

Cách dạy con nghe lời

Tuy nhiên, các bậc cha mẹ nên liên tục nhắc nhở mình: định hướng là giúp con xác định phương hướng, không phải thay con quyết định điểm tiếp theo của hành trình.

3.2. Khuyên bảo “vừa đủ”

Khi con làm sai, phụ huynh có xu hướng nói về sai lầm đó và đưa ra lời khuyên để con khắc phục. Tuy nhiên, vết sẹo sau chú ngã đau sẽ không thể lập tức lành lại bằng lời khuyên. Để lành lại, con cần có một thời gian chịu đau nhất định. Trong thời gian con đang xử lý hậu quả của vấp ngã, hãy bớt đi những lời khuyên bảo lặp đi lặp lại và thay bằng sự đồng cảm, sự sẻ chia. Cách dạy con nghe lời đúng đắn của cha mẹ sẽ cho con biết rằng sai lầm là thứ bình thường trong hành trình khôn lớn, quan trọng hơn, trải qua sai lầm đó con học được gì.

3.3. Tăng cường lắng nghe, giảm bớt tranh luận

Một đứa trẻ làm trái ý cha mẹ chưa chắc đã là đứa trẻ hư, quan điểm của cha mẹ không phải lúc nào cũng đúng đắn. Cách dạy con nghe lời hiệu quả thường được xây dựng trên nền tảng các cuộc trò chuyện từ tốn, những chia sẻ chân thành. Lắng nghe con là cách duy nhất để phụ huynh biết căn nguyên phát sinh sự bướng bỉnh, tìm giải pháp phù hợp.

Hy vọng, bài viết của Gia sư 8910 đã đem tới những thông tin “vừa đủ” để cha mẹ có một góc nhìn mới trong quá trình nuôi dạy con. Không quá ít, không quá nhiều đôi khi lại là công thức để tạo ra sự hoàn hảo.

Bài viết nổi bật

Tư vấn tìm gia sư

Đăng ký tư vấn miễn phí